11/12/2022A- A+
Ý nghĩa các thông số trên bình ắc quy
Ắc quy là một thứ rất quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta và được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết đầy đủ về loại sản phẩm này, đặc biệt là ý nghĩa các thông số trên bình ắc quy.
Khi chọn mua ắc quy hay UPS, bạn thường sẽ thấy các nhà cung cấp ghi rõ chỉ số Ah ví dụ: 12V 7Ah, 12V 18Ah, 12V 40Ah, 12V 65Ah, 12V 100Ah… Vậy ký hiệu Ah trên ắc quy là gì?
Điện lượng (Ah): Là dòng ắc quy có thể cung cấp liên tục trong khoảng thời gian nhất định cho đến khi hiệu điện áp ắc quy hạ xuống dưới mức “điện áp cắt” (10,5V đối với ắc quy 12V). Thông số điện tích của ắc quy do nhà sản xuất công bố thường được tính khi phát điện với dòng điện nhỏ trong 20 giờ (20Hr).
Ví dụ: Bình ắc quy 100Ah sẽ phát được dòng điện 5A trong 20 giờ, khi dòng điện phát ra càng lớn thì thời gian phát điện càng ngắn.
Điện áp cắt: Hay còn gọi là “Điện áp ngắt” là mức mà bạn không nên để ắc quy phát điện tiếp, nếu cứ để ắc quy phát điện ở dưới mức ngừng thì sẽ:
Giảm tuổi thọ: Ví dụ như, nếu ắc quy còn 80% mà đã nạp thì tuổi thọ khoảng 25.000 chu kỳ, còn nếu để còn 20% mới nạp thì tuổi thọ khoảng 7000 chu kỳ.
Hỏng ắc quy hoàn toàn: Điều này thường xảy ra khi dùng nhiều ắc quy mắc nối tiếp nhau. Khi 1 hay nhiều ắc quy trong dãy đó đã phát hết điện mà những cái khác chưa hết điện và ta tiếp tục dùng thì ắc quy hết điện trước sẽ bị đảo cực và hỏng hoàn toàn.
Điện áp cắt được quy định bởi nhà sản xuất và phụ thuộc vào dòng phóng. Ví dụ: Bình ắc quy 12V 100Ah thì điện áp ngắt mỗi cell là 1,75V ứng với dòng phóng 0,1 ~ 0,2C10 và điện áp ngắt của ắc quy là 1,75V*6 = 10,5V.
Điện áp (Voltage): Là chỉ số đo điện thế chênh lệch giữa hai đầu cực của ắc quy. Điện áp ắc quy có thể là 12V hoặc 24V…
Dung lượng dự trữ RC (Reserve Capacity): Là dung lượng của ắc quy dự trữ để sử dụng cho các phụ tải điện khi hệ thống cung cấp điện có sự cố. RC được đo bằng phút khi ắc quy phóng dòng 25A ở 25°C trước khi điện áp xuống dưới mức quy định.
Dòng khởi động nguội CCA (Cold-cranking amperes): Chức năng chính của ắc quy là nguồn điện năng để khởi động động cơ trong quá trình khởi động, vì vậy, yêu cầu là khả năng phóng điện khỏe trong một thời gian ngắn. CCA được diễn giải là cường độ dòng mà ắc quy cung cấp trong vòng 30 giây ở 0°F (-17,7°C) cho đến khi hiệu điện áp xuống dưới mức có thể sử dụng.
Ví dụ: Một ắc quy (12V) có CCA là 600, tức nó có thể cung cấp dòng điện 600 Ampe trong vòng 30 giây tại -17,7°C trước khi điện áp hạ xuống 7,2V.
CCA có ý nghĩa quan trọng đối với những xe ở vùng khí hậu hàn đới, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 0℃. Khi nhiệt độ xuống quá thấp, dầu động cơ và dầu hộp số trở nên đặc và khởi động xe vào buổi sáng sẽ rất khó khăn, khi đó, ắc quy phải có CCA cao.
Ngoài CCA, còn có thông số khác đo dòng khởi động như CA (Cranking Amps) chỉ cường độ dòng điện mà ắc quy cung cấp trong vòng 30 giây tại nhiệt độ 32°F (0°C) trước khi điện áp xuống mức 7,2V.
Công suất (W): Năng lượng dùng để khởi động động cơ cũng có thể được tính bằng Watt (W). Công suất được xác định bằng cách nhân dòng sử dụng và điện áp ắc quy tại 0℉.
Trên đây là những thông số trên bình ắc quy mà bạn cần nắm rõ khi chọn mua và sử dụng. Ngoài các thông số kỹ thuật của ắc quy, bạn cũng cần phải nắm được quy tắc đọc tên của nhà sản xuất, hay nói cách khác là cách đọc tên bình. Tên bình sẽ cho biết dung lượng danh định của bình đó.
Ví dụ: Trên bình ghi 50B24LS (dùng cho Civic, CRV, Yaris, Vios...) thì cách đọc như sau:
Số “50”: Dung lượng danh định của bình. Thông thường, ở chế độ phóng 20 giờ, dung lượng là 2,5 Ampe giờ, hay đọc là bình 2,5.
Chữ “B”: Chiều ngang bình, dạng B là 127mm, chữ “D” là 172mm…
Số “24”: Chiều dài bình là 24cm.
Chữ “L”: Left - Bình cọc trái, nếu cọc phải ghi là R - Right hoặc không ghi gì.
Chữ “S”: Nếu bình có 2 loại cọc thì nó là cọc to.
Ngoài ra, nếu bạn thấy kí hiệu MF hay SMF (maintenance free) thì đây là loại bình ắc quy không cần bảo dưỡng (bình ắc quy khô).