14/09/2023A- A+
Những bí mật của dây đai an toàn trên xe hơi
Dù lái xe hằng ngày nhưng chưa chắc bạn đã hiểu rõ về dây đai an toàn, ngoài tính năng ghìm giữ cơ thể người ngồi trên ghế ô tô nhằm giảm nguy cơ chấn thương và tử vong trong các trường hợp tai nạn.
Bạn đã bao giờ để ý tới khuyên vải ngay sát chốt dây đai an toàn ở tất cả các vị trí ngồi, trừ ghế lái? Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao trên dây đai an toàn của ghế lái lại có một nút nhựa nhỏ? Bạn có bao giờ tự hỏi liệu dây đai an toàn có công dụng gì khác ngoài việc giữ cơ thể người không lao về phía trước hoặc bắn ra khỏi xe trong trường hợp tai nạn không?
Bài viết này sẽ giải đáp tất cả.
Khuyên vải bí ẩn trên dây đai an toàn
Bạn có thể vẫn đi ô tô hằng ngày mà không để ý chi tiết nhỏ này, nhưng nó vẫn ở đó vì sự an toàn của bạn. Chi tiết này không có trên tất cả các xe; ví dụ, mẫu Toyota Prius có các nút nhựa ở bên dưới chốt, thay vì khuyên vải, nhưng vẫn được Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đánh giá an toàn ở mức cao nhất. Tuy nhiên, thực tế là chi tiết này cực kỳ phổ biến.
Khuyên vải trên dây đai an toàn ô tô còn được gọi là khuyên kiểm soát năng lượng. Nó được thiết kế để bật chỉ bung ra dưới lực tác động lớn. Khi bung ra như vậy, nó giúp dây đai an toàn dài thêm một chút, giảm lực căng, giúp dây đai an toàn không bị xé toạc, từ đó bảo vệ người ngồi trên xe tốt hơn.
Ngoài ra, khuyên vải này còn có tác dụng ngăn chốt cài dây đai an toàn không đập vào thành xe khi không dùng đến, hoặc chốt rơi xuống sàn. Điều này cũng phần nào giải thích vì sao dây đai an toàn của ghế lái không có khuyên vải. Khi xe di chuyển, dây đai an toàn bên ghế lái được mặc định phải cài, nên không cần có cái gì ngăn chốt đập vào thành xe.
Dây đai an toàn bên ghế lái không có khuyên vải như các ghế khác.
Hẳn là bạn sẽ băn khoăn về sự an toàn của người ngồi ghế lái.
Dây đai an toàn của ghế lái không có khuyên vải, mà chỉ có một cái nút để giữ cho chốt cài không trượt xuống sàn. Vì người lái ngồi khá sát vô-lăng nên trong trường hợp không may xảy ra va chạm, nhiệm vụ của dây đai an toàn là giữ cơ thể người lái càng sát vào lưng ghế càng tốt, tránh đập đầu hoặc ngực vào vô lăng, gây chấn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Khi xảy ra va chạm, từng milimet cũng có ý nghĩa sống còn với tài xế.
Công dụng ít biết của dây đai an toàn
Dây đai an toàn vắt qua vai sẽ giúp bạn dễ dàng vừa di chuyển xe vừa chỉnh vô lăng. Dây đai an toàn khi đó dùng toàn bộ sức lực cơ thể, thay vì chỉ có lực của tay, để đẩy xe di chuyển.
Tuy nhiên, có một lưu ý là chỉ nên áp dụng cách này khi bạn có một mình, trên mặt đường phẳng và khô. Lý do là nếu áp dụng với mặt đường nghiêng dốc hoặc trơn ướt, thì khi xe vào đà lăn bánh có thể kéo ngã bạn, rất nguy hiểm.
Một công dụng nữa ít được biết đến của dây đai an toàn là có thể dùng chốt thay cho búa phá kính trong các tình huống nguy cấp, như ô tô rơi xuống nước, bị tai nạn, cháy xe..., nếu không có sẵn búa phá kính chuyên dụng. Dùng các góc nhọn của chốt để đập vào kính sẽ hiệu quả hơn dùng cạnh.
Tố cáo xe tai nạn, ngập nước
Dù không phải là một chỉ báo có tính chính xác 100%, nhưng tình trạng của dây đai an toàn có thể cho thấy khả năng một chiếc xe từng bị tai nạn nghiêm trọng hoặc ngập nước. Bằng cách nào?
Trước tiên, khi định mua xe cũ, bạn hãy kéo hết dây đai an toàn để kiểm tra xem có dấu tích của cặn bẩn hay nấm mốc ở điểm cuối không. Nếu có thì nhiều khả năng chiếc xe từng bị ngập nước. Bạn cần kiểm tra kỹ lịch sử xe.
Thứ hai, hãy kiểm tra ngày sản xuất dây đai an toàn. Nếu nó sau ngày sản xuất xe thì có khả năng chiếc xe từng gặp tai nạn nghiêm trọng, tới mức phải thay dây an toàn. Trừ trường hợp xe quá cũ, còn thông thường mọi người hiếm khi tự nhiên đi thay dây đai an toàn.
Dù dây đai an toàn không xuống cấp nhanh như các bộ phận khác của ô tô, nhưng trong một số trường hợp cũng cần thay mới. Theo NHTSA, giống như túi khí, dây đai an toàn là trang bị dùng một lần, tức một khi nó đã phát huy tác dụng trong một vụ tai nạn thì cần được thay mới để đảm bảo hiệu quả bảo vệ trong tương lai (nếu có).
Trong điều kiện thông thường, không xảy ra tai nạn, một số chuyên gia khuyến cáo nên thay dây đai an toàn sau 10-15 năm sử dụng.