26/06/2022A- A+
Chói mắt vì nắng khi lái xe, làm gì để khắc phục?
Vào thời tiết nắng gắt, ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mặt kính lái ô tô, khiến tài xế bị chói mắt, cảm giác rất khó chịu và khó quan sát. Vậy làm sao để khắc phục tình huống này?
Theo nghiên cứu của tổ chức Phân tích an toàn đường bộ - Road Safety Analysis (RSA), Vương quốc Anh, sự lóa mắt do mặt trời là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông vào sáng sớm, từ 6h sáng đến trưa và khi mặt trời chuẩn bị lặn vào xế chiều. Kết luận này được dự trên dữ liệu về các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra từ năm 2009 đến 2013. Tại Anh, mỗi năm có gần 4.000 người bị thương do tai nạn vì nguyên nhân này.
Tia UV từ mặt trời có thể dễ dàng xuyên qua kính xe và làm ảnh hưởng trực tiếp tới mắt và da của tài xế.
Nếu bị tia cực tím chiếu từ 6-15 giờ, tài xế có thể thấy những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng, cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng... Thông thường, nếu tiến triển tốt, sau 8 giờ, những triệu chứng này sẽ tự khỏi. Nhưng nếu tổn thương lâu dài, có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi; ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính.
Không chỉ vậy, tia cực tím sẽ phá hủy các sợi đàn hồi của da. Hậu quả dẫn tới sự lão hóa trên da như: các nếp nhăn, mụn, nám…thậm chí làm tăng nguy cơ gây ung thư da.
Các nhà khoa học Anh nghiên cứu cho thấy, lái xe ngồi gần cửa sổ sẽ tiếp nhận lượng ánh sáng gấp 6 lần liều bức xạ cực tím so với vùng không bị nắng. Kính lái ôtô có thể chặn đến 96% tia UV. Tuy nhiên, kính ở cửa xe chỉ chặn được 71% tia UV, một số xe chỉ ngăn được 44%.
Kết quả nghiên cứu trên 2.000 lái xe ở Anh cho thấy, 53% người lái không biết về tác hại của da khi bị ánh nắng chiếu qua kính xe. Nghiên cứu còn cho biết, một số trường hợp lái xe không sử dụng kem chống nắng đã xuất hiện tế bào tiền ung thư trên da.
Để tránh các tác hại của ánh nắng mặt trời khi lái ô tô, các chuyên gia cũng đưa ra một số lời khuyên và kinh nghiệm phòng ngừa. Bạn đọc có thể tham khảo dưới đây.
Sử dụng kính râm
Kính râm không chỉ có tác dụng chống tia UV từ mặt trời chiếu vào mắt, mà còn giúp tài xế quan sát đường thoải mái hơn trong trường hợp lái xe về hướng mặt trời. Chính vì được sử dụng thường xuyên nên trên nhiều mẫu ô tô, ở trần xe thường thiết kế hộc đựng kính khá tiện ích.
Tuy nhiên, tài xế cũng lưu ý nên sử dụng loại kính mắt có uy tín, có chỉ số chống tia UV phù hợp bởi nếu dùng loại kính kém chất lượng trong thời gian dài sẽ gây hại cho sức khỏe mắt.
Dùng tấm chắn nắng có sẵn
Tấm chắn nắng phía trước tài xế và ghế phụ là trang bị có sẵn trên mọi dòng xe
Một thiết kế luôn có sẵn trên ô tô, dù ở dòng xe hạng sang hay bình dân, đó chính là tấm chắn nắng phía trước dành cho hàng ghế đầu. Tấm chắn này kết hợp với dải chấm tròn đen phía góc trên kính chắn gió phía trước giúp người lái giảm thiểu được tới 80% tác động của ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Phần còn lại do tư thế ngồi lái và các biện pháp khác.
Dán phim cách nhiệt
Phim cách nhiệt dán kính ngày nay trở nên quá phổ biến với tài xế ô tô. Thậm chí các hãng xe ở Việt Nam thường đưa ra gói khuyến mại dán phim cho khách hàng mua xe mới. Tác dụng quảng cáo khi dán phim thường là giảm chói, giảm nhiệt độ bức xạ bên trong khoang lái, giảm thiểu tác hại tia UV…
Thực tế việc dán phim cách nhiệt là có tác dụng chặn một tỷ lệ nhất định ánh sáng mặt trời xâm nhập vào xe của bạn. Tuy nhiên, người dùng nên cân nhắc về mức độ tối màu lựa chọn khi dán phim cách nhiệt bởi nó ảnh hưởng tới tầm quan sát khi ánh sáng yếu hoặc quy định pháp luật.
Lựa chọn thời điểm lái xe
Dù trang bị các biện pháp chống ánh nắng thì việc lái xe thường xuyên dưới ánh mặt trời gay gắt không thể giúp bạn an toàn 100%. Vì vậy, nếu có thể nên cố gắng tránh lái xe trong thời gian ánh sáng mặt trời là sáng nhất. Thường trong giờ cao điểm từ 8 giờ đến 11 giờ.
Chọn khoảng cách để an toàn
Hiện tượng lóa mắt dù bởi ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo đều khiến phản xạ của tài xế chậm hơn bình thường từ vào giây tới hơn chục giây. Vì thế, nếu phải lái xe trong điều kiện ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt, nên giữ khoảng cách lớn hơn bình thường với xe phía trước để tăng thêm thời gian xử lý tình huống.
Nghỉ ngơi nếu cảm thấy mắt bị tổn thương
Nếu ánh sáng mặt trời bắt đầu làm tổn thương mắt hoặc cản trở khả năng lái xe của bạn, đừng cố gắng lái đến đích mà hãy tìm cách đỗ xe ở nơi an toàn, thoát khỏi nơi giao thông đông đúc. Nghỉ ngơi từ 10 đến 15 phút để mắt trở lại trạng thái bình thường sau đó mới nên tiếp tục lái xe.