01/07/2022A- A+
Cách lái xe số tự động, số sàn lên dốc, đổ đèo, ôm cua & vượt xe an toàn
Dưới đây là những kinh nghiệm và kỹ thuật áp dụng chung cho cả xe số sàn (MT) và xe số tự động (AT) khi đi đường đèo.
Những nguyên tắc an toàn chung khi đi đèo
Tầm quan sát
Tầm quan sát là một trong những yếu tố quan trọng được nhiều “bác tài” có kinh nghiệm lưu ý khi đi đường đèo. Lái xe có thể sẽ không lường trước được những đoạn cua gấp và điểm mù trên đường. Do đó, hãy cố gắng nhìn xa nhất có thể chứ không phải chỉ nhìn chiếc xe phía trước. Việc này giúp bạn chuẩn bị tâm lý cho những diễn biến bất ngờ như có xe đỗ bên đường, xe sắp vượt qua đoạn rẽ, đường trơn trượt hoặc một đoạn dốc phía trước.
Tầm quan sát là yếu tố quan trọng khi đi đèo
Vào buổi tối, rất khó để quan sát đường sẽ dẫn đến đâu hoặc là đường có thông thoáng hay không. Tuy nhiên, trên đường sẽ có rất nhiều những thành phần chỉ dẫn giống như những “đôi mắt mèo”. Những “đôi mắt mèo” này hoạt động như một tấm phản quang, bắt và phản xạ lại ánh sáng từ đèn pha, giúp người lái hình dung được về những đoạn rẽ và dốc khi lưu thông trong điều kiện trời tối.
Sử dụng vô lăng đúng cách
Đặc điểm của những cung đèo nói riêng và địa hình đồi núi nói chung là có nhiều khúc cua nguy hiểm và mật độ khúc cua thường dày đặc. Do đó, người lái cần nắm được cách sử dụng vô lăng đúng kỹ thuật. Bạn hãy tự ước lượng độ gấp của khúc cua bởi nó sẽ giúp bạn đánh lái vừa đủ để vượt qua cua, tránh rơi vào trường hợp xe bị tròng trành hoặc vượt quá phần đường quy định.
Kỹ năng sử dụng vô lăng tốt giúp đảm bảo an toàn khi đi đường đèo
Sử dụng vô lăng đúng cách còn giúp xe di chuyển ổn định và vững vàng trong khu vực đồi núi. Các khúc cua đường đèo yêu cầu người lái phải giữ và kiểm soát tốt từng đoạn xoay của vô lăng. Nếu đang điều khiển xe số sàn (MT), người lái cần vào số nhanh chóng và dứt khoát, sau đó đưa tay phải về vị trí giữ vô lăng để đảm bảo an toàn.
Có thể thấy rằng, xoay vô-lăng đúng cách khi đi đường đèo là một kỹ năng hết sức quan trọng, bạn có thể tìm hiểu thêm về kỹ thuật này dưới đây.
Cẩn thận khi sử dụng phanh, ga và hộp số
Độ dốc của các khu vực đồi núi kết hợp với khối lượng lớn của xe đòi hỏi việc điều khiển phanh, ga cần nhiều kỹ năng và sự tập trung hơn từ người lái. Do đó, bạn cần lưu ý không tăng tốc và giảm tốc đột ngột để tránh tình trạng trượt bánh, mất lái. Bên cạnh đó, việc sử dụng hộp số - đặc biệt là hộp số sàn - khi lên dốc, đổ đèo hay vượt xe cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. Chi tiết sẽ được đề cập ở các phần bên dưới.
Cảnh giác các đoạn đường trơn trượt bất ngờ
Đường đèo với đặc điểm khúc khuỷu và nhỏ hẹp thường có rất ít không gian để người lái khắc phục sai lầm. Do đó, bạn luôn cần cảnh giác với những cơn mưa bất ngờ, những dòng nước chảy từ núi hay các khe đá. Đây là những yếu tố làm giảm đáng kể độ bám của lốp xe và mặt đường.
Mỗi pha đánh lái hay phanh gấp lúc này thường đi kèm với rủi ro xe bị trượt và mất lái. Do đó, bạn cần giảm tốc và tập trung cao độ hơn khi xe đi qua mặt đường ướt. Những mẫu xe thế hệ mới được trang bị “cân bằng điện tử” lúc này trở nên cực kỳ đáng giá, phần nào hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho xe trước những pha xử lý đột ngột có khả năng gây trượt bánh.
Cẩn thận khi gặp sương mù
Đặc trưng của địa hình đồi núi chính là sương mù. Khi sương mù quá dày đặc, đôi khi xe sau không thể nhìn thấy xe trước dù chỉ cách nhau chưa tới 10m. Lúc này, bạn cần tập trung cao độ, đi chậm để dễ dàng quan sát các xe khác. Đừng quên bật đèn sương mù và bám theo các vạch kẻ đường. Việc vượt xe cũng cần hạn chế tối đa do tầm nhìn phía trước giờ đã giảm nghiêm trọng.
Sương mù là đặc trưng của khu vực đồi núi
Lên dốc & khởi hành ngang dốc
Xe số sàn (MT)
Nếu là xe số sàn (MT), bạn cần đi ở số thấp (1, 2, 3) để tối ưu lực kéo từ động cơ giúp xe leo dốc dễ dàng hơn. Bản chất của hộp số là số càng thấp thì lực kéo càng cao. Do đó, kỹ thuật trả số cần được người lái nắm rõ để đảm bảo khả năng xử lý khi lên dốc.
Xe số sàn đòi hỏi người lái thành thục những kỹ năng nhất định để vận hành một cách an toàn
Xe số tự động (AT)
Còn với xe số tự động (AT, CVT hay DCT), bạn chỉ cần để cần số ở vị trí D là xong, tùy tốc độ và điều kiện vận hành thực tế mà hộp số sẽ chuyển tới số thích hợp. Các nhà sản xuất đã khuyến cáo người lái xe số tự động là không nên và không cần thiết phải chuyển vị trí cần số nhiều – việc này hãy để hộp số tự động làm, bản thân chữ Tự động đã nói lên tất cả
Hộp số tự động giúp việc vận hành xe khi đi đèo đơn giản và an toàn hơn
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự mình điều khiển xe, bạn vẫn có thể chuyển cần số sang chế độ số tay và gạt cần vào vị trí (-) để giảm số cho phù hợp với điều kiện và tải trọng thực tế của xe.
Khởi hành ngang dốc
Về vấn đề khởi động ngang dốc, đây là đề tài quen thuộc nhưng vẫn làm khó không ít “bác tài”, đặc biệt là lái mới. Đối với xe số sàn (MT), người lái có thể sử dụng phanh tay để hỗ trợ trong quá trình khởi hành.
Cụ thể hơn, Sau khi xe đã dừng trên dốc, lái xe kéo phanh tay với mục đích là thay phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Khi đó, lái xe có thể bỏ chân phanh ra và đặt vào chân ga mớm lên. Khi cần di chuyển trở lại từ vị trí đứng yên trên dốc, lái xe cắt côn vào số và thực hiện nhả côn, đạp mớm ga như khởi động bình thường trên đường bằng, lúc này phanh tay vẫn chưa hạ hết nên xe chắc chắn không bị trôi.
Công nghệ khởi hành ngang dốc giúp giảm tải gánh nặng cho người lái khi đi đèo
Tiếp tục nhả côn từ từ đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (báo hiệu các lá côn đã bắt vào nhau) thì nhả nhẹ phanh tay, nghe ngóng nếu thấy xe không trượt thì thả nốt phanh tay, xe sẽ tự bò lên. Có thể mớm nhẹ chân ga nếu xe chưa di chuyển.
Đối với xe số tự động (AT), việc này đơn giản hơn nhiều. Người lái chỉ cần bỏ chân thắng và đạp ga tăng tốc mà không sợ xe chết máy. Đặc biệt, công nghệ hỗ trợ khởi hành ngang dốc đang ngày càng trở nên phổ biến và được trang bị trên cả những xe ở phân khúc A như Kia Morning. Công nghệ này sẽ tự động giữ phanh 3 giây khi người lái chuyển từ chân phanh sang chân ga để đảm bảo xe không bị trôi giữa dốc.
Đổ đèo - kiểm soát tốc độ
Quá trình đổ đèo lại là một câu chuyện khác. Lúc này, bên cạnh lực kéo từ động cơ thì trọng lực và lực quán tính cũng góp phần làm xe đi nhanh hơn. Do đó, nhiều lái xe có xu hướng rà phanh liên tục khi đổ dốc để ghìm xe lại. Đây cũng là một trong những sai lầm chết người khi đổ đèo.
Rà phanh liên tục có thể gây quá nhiệt trong hệ thống phanh, làm cháy má phanh, sôi dầu phanh khiến hệ thống phanh mất tác dụng tạm thời cực kỳ nguy hiểm. Vậy nên, khi lái xe xuống dốc nên hạn chế tối đa việc dùng phanh, chỉ phanh khi thật sự cần thiết.
Hộp số sàn (MT)
Đối với xe số sàn (MT), người lái cần nhả ga, đệm phanh, đạp côn về số thấp (1, 2, 3) là đã có thể tận dụng phanh động cơ để hãm xe lại một cách hiệu quả. Để đảm bảo an toàn, người lái cần thành thục kỹ thuật sang số để đảm bảo quá trình về số diễn ra nhanh chóng và dứt khoát, đảm bảo an toàn khi xuống dốc.
Hộp số tự động (AT)
Đối với các dòng xe số tự động (AT), ngoài các vị trí truyền thống (P-R-N-D) còn có thêm các vị trí của cần số được đánh số, số lượng các vị trí số này phụ thuộc vào số lượng số của hộp số. Về cơ bản: những vị trí được đánh dấu bằng số này (2,1, L) thường dùng để phanh động cơ khi lái xe xuống dốc.
Bên cạnh kỹ thuật sử dụng hộp số, lái xe số tự động đổ đèo cũng cần chú ý khá nhiều vấn đề khác, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây:
Ngoài ra, một lưu ý chung cho cả xe số sàn và số tự động khi đi đường đèo là tuyệt đối không được đi bằng số N (số mo, số 0). Nhiều tài xế nghĩ đi bằng số N sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, thả trôi xe xuống dốc bằng số N mang đến những tác hại khôn lường vì khi không còn lực kéo từ động cơ, lốp xe sẽ giảm độ bám với mặt đường, cộng thêm tốc độ cao sẽ rất khó xử lý khi đến khúc cua hoặc có sự cố bất ngờ.
Cách vào cua an toàn
Vào cua trong điều kiện thông thường là rất dễ dàng. Tuy nhiên khi đi đèo thì sẽ gặp nhiều thử thách và áp lực hơn. Do đó, người lái cần tập trung cao độ, giảm tốc dần đều trước khi vào cua (với xe số sàn, người lái cần chủ động về số phù hợp trước khi đánh lái vào cua), luôn giữ tốc độ ở ngưỡng an toàn mà bản thân kiểm soát tốt được tình huống. Ngoài ra, cũng có những nguyên tắc cơ bản giúp người lái xử lý an toàn hơn trên những khúc cua đường đèo.
Luôn đi bám vào phần đường bên phải
Cách lái khi xe xuống dốc khúc quanh (cua chữ u, cua tay áo) là luôn đi bám vào phần đường bên phải của mình, không chạy nhanh để hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm lật xe hoặc xử lý phanh không kịp thời dẫn đến sự cố phóng xe xuống vực.
Luôn đi đúng làn đường của mình khi chạy xe đường đèo. Đặc biệt, tránh cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, đây là những góc cua khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn đối đầu với xe ngược chiều.
Đừng ôm vạch chia đường
Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng cách lái này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.
Vượt xe khi đi đèo
Do đặc trưng mặt đường nhỏ hẹp và có độ dốc, việc vượt xe khi đi đường đèo đòi hỏi người lái phải tuân theo quy định và những nguyên tắc nhất định để đảm bảo an toàn. Đầu tiên, người lái chỉ được phép vượt ở những đoạn vạch kẻ đường đứt nét. Những đoạn kẻ liền là những vị trí góc cua, khuất tầm nhìn, do đó người lái không được vượt. Tiếp theo, người lái cần đảm bảo tầm quan sát đủ rộng và xa ở trước mặt để đảm bảo an toàn khi chuẩn bị vượt.
Với xe số sàn, người lái cần nhanh chóng về số thấp hơn để đảm bảo lực kéo và gia tốc cho xe, qua đó giúp việc vượt xe được dứt khoát và an toàn hơn. Với xe số tự động thì thao tác đơn giản hơn nhiều: người lái chỉ cần đạp sâu ga, xe sẽ tự nhận biết nhu cầu vượt và tự động về số thấp để tăng tốc nhanh hơn.
Nếu bạn là một người lái mới, dưới đây là một số kinh nghiệm vượt xe an toàn dành cho bạn, hãy tìm hiểu ngay nhé:
Lái xe ban đêm nên kiểm tra hệ thống đèn cẩn thận, có thể sử dụng thêm đề can vàng cho một nửa đèn.
Đảm bảo phương tiện bạn sử dụng có đầy đủ xăng cho cung đường mình di chuyển, hay ít nhất là thoải mái xăng cho tới khi tới được trạm xăng tiếp theo.
Khi đi đường đèo, đặc biệt là vào ban đêm nên di chuyển với tốc độ chậm, leo đèo ở mức tốc độ khoảng 40km/h, những đoạn đường nhiều cua nên giảm tốc độ.
Chú ý tới các vệt sáng của đèn pha xe đối diện mỗi khi vào cua để tránh va chạm.
Khi có dấu hiệu buồn ngủ cần dừng xe, đảm bảo chỉ lái xe trong tình trạng tỉnh táo và minh mẫn nhất.