01/03/2024A- A+
Sau Tết, chi phí học lái xe ô tô tăng gấp đôi
Một số Trung tâm đào tạo và sát hạch thông báo, tổng chi phí để có giấy phép lái xe ô tô hiện nay ở mức 20 - 32,8 triệu đồng.
Phí sát hạch tăng...
Theo quy định mới được thể hiện trong Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày 7/6/2023 của Bộ Tài chính và có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, phí sát hạch lý thuyết cho các hạng xe A1, A2, A3, A4 đã tăng từ 40.000 đồng/lần lên 60.000 đồng/lần, và phí sát hạch thực hành cũng tăng từ 50.000 đồng/lần lên 70.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F, phí sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình là 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông là 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần; sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 100.000 đồng/lần.
Còn theo Theo Nghị định 138/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô, trung tâm sát hạch lái xe phải thực hiện trang bị thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên trước ngày 1/1/2022.
Thiết bị này có 6 chức năng cơ bản bao gồm: hiển thị thông tin và thông báo các trạng thái hoạt động của thiết bị; ghi nhận thay đổi người dạy và học viên; xác thực người học lái xe bằng camera; thể hiện cảnh báo bằng đèn hoặc màn hình hiển thị; ghi - lưu trữ dữ liệu và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý.
Đây là căn cứ pháp lý buộc các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải chấp hành nghiêm quy định về thời gian học thực hành của học viên và cũng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí đào tạo lái xe ô tô tăng mạnh kể từ sau dịch Covid-19.
Điều này dẫn đến sự tăng mạnh trong tổng chi phí đào tạo lái xe.
…Và nhiều lý do khiến chi phí học lái ô tô tăng cao
Không chỉ chi phí sát hạch tăng, mà các cơ sở, trung tâm đào tạo sát hạch còn có sự đầu tư đáng kể vào thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành. Mỗi trung tâm đào tạo lái xe phải đầu tư ít nhất 2-3 cabin, với mỗi chiếc có giá khoảng 500 triệu đồng. Điều này đã đẩy chi phí lên đáng kể khiến các cơ sở phải điều chỉnh học phí.
Tổng chi phí để sở hữu được giấy phép lái xe trong trường hợp thi đỗ ngay lần đầu đã tương đương hơn 4 tháng thu nhập trung bình tại thành phố và gấp khoảng 5 lần so với các đây hai năm.
Theo báo giá học lấy bằng B1 từ Trung tâm đào tạo lái xe tại Tây Hồ, Hà Nội, chi phí cho một khoá học này là gần 18,5 triệu đồng, gồm các khoản: tiền hồ sơ, xăng xe, sân bãi, lái xe đường trường, tiền học xe gắn chip, học trên cabin và lệ phí theo quy định. Thời gian học kéo dài trong 4 tháng, từ dạy thực hành lái xe từ cơ bản đến nâng cao, học sa hình và đường trường (710 km đối với hạng B1, 810 km đối với hạng B2), 3 giờ học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng...
Tổng chi phí để sở hữu được giấy phép lái xe ô tô hiện nay đã tăng gấp đôi
Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo ô tô khác vừa đưa ra bảng chi phí đào tạo năm 2024 trọn gói từ học lý thuyết đến khi được cấp giấy phép lái xe từ 29,8-31,8 triệu đồng đối với bằng B1 học 51 giờ; từ 29,8 triệu đến 32,8 triệu đồng đối với bằng B2 học 59 giờ; và từ 33,8 triệu đồng đối với bằng C học 65 giờ.
Lý giải việc tăng phí đào tạo lái xe, đại diện một trung tâm đào tạo lái xe cho biết do phải tăng chi phí đầu tư (cabin điện tử, thiết bị DAT…) nên từ đầu năm 2023 hầu hết các cơ sở đều tăng lệ phí. Tuy nhiên, mức tăng mỗi cơ sở khác nhau là khác nhau và phải trình lên sở giao thông vận tải phê duyệt.
Như vậy là mới chỉ trước Tết Nguyên đán, chi phí để có giấy phép lái xe B1, B2 chỉ từ 12 -15 triệu đồng, thì hiện nay, để tham dự khóa đào tạo này những người muốn sở hữu giấy phép lái xe ô tô phải bỏ ra số tiền gấp đôi.
Nguồn: Tạp chí Công thương